Đến Yvoire, không thể không ghé thăm khu vườn mê cung Five Senses – một lựa chọn lý tưởng để tận hưởng không gian trong lành. Lấy cảm hứng từ thời Trung Cổ, khu vườn là một mê cung tràn ngập sắc xanh của cây và lá, với hàng trăm loài hoa thơm và trái cây đánh thức mọi giác quan của du khách. Khu vườn trước đây được liên kết trực tiếp với lâu đài Yvoire. Vào thế kỷ 19, Baron François – người thích vườn tược, đã trồng rất nhiều cây quý hiếm quanh lâu đài. Nhiều năm sau, vào những năm 1980, một trong những dự án biến khu vườn trở thành một khu vườn nhà bếp đã bị trì hoãn . Một dự án mới của Yves và Anne-Monique d’Yvoire – chủ nhân mới của lâu đài được đề xuất với mục đích : Làm sống lại khu vườn, giữ liên kết với lịch sử của làng. Họ tung ra một sáng tạo đương đại chính thống dựa trên các yếu tố cổ đại. Ba mươi năm sau, những cây cối của Baron François để lại hiện diện ở khắp nơi và luôn được nuông chiều tại đây. Bây giờ khu vườn được bao quanh bởi một bộ sưu tập hơn 1.300 giống cây và thực vật trải khắp khu vườn. Trong số đó, có những loài thực vật bị mất và bị lãng quên được Trung tâm Tài nguyên Thực vật Ứng dụng của Lyon quản lý và gây giống.
Sau khi tham quan khu vườn 5 giác quan thì mình lựa chọn ăn ở nhà hàng Garden 5 Senses ngay bên cạnh vườn . Nói đến đây chắc một vài bạn sẽ nghĩ là đã hiểu vì sao mình lại nói ” Ăn với 5 giác quan ở Yvoire” rồi nhỉ. Nhưng không chỉ là ăn ở nhà hàng 5 Senses mà gọi là ăn với 5 giác quan đâu – nếu như vậy thì chỉ là 1 kiểu chơi chữ, đâu có thú vị lắm đâu nhỉ ;). Thực ra mình đã ăn bằng cả 5 giác quan bằng : thị giác, thính giác, xúc giác, khướu giác và vị giác đấy. Để mình kể bạn nghe nhé. Từ tầng cao nhất của nhà hàng mình có thể phóng tầm mắt ra lâu đài bên hồ của bá tước Amedel cũng nhưng nhìn toàn cảnh mê cung trong vườn.
Bất chợt mình đã nhắm mắt để nghe tiếng chim hót líu lo cũng như hít căng lồng ngực mùi thảo mộc được trồng trong vườn và tất nhiên là cả mùi thức ăn thơm phức lan toả từ căn bếp của nhà hàng dưới tầng một. Thỉnh thoảng có những cơn gió nhẹ thổi qua mang theo chút se lạnh của hồ ngày thu tháng 9 len nhẹ trong mái tóc mình khiến mình phải kéo chiếc khăn lụa mỏng màu xanh trên cổ sát hơn một chút. Mình chọn menu trưa gồm 3 món : khai vị, món chính và tráng miệng thêm một ly rượu vang hồng ( vì có gọi cá ). Và lúc này cuộc phiêu lưu của vị giác đã thực sự bắt đầu.
Những chiếc bánh mì nhỏ xinh nóng ấm được làm bởi chính lò bánh của nhà hàng được mang ra cho khách ăn “chơi” với bơ ( hoặc dầu olive) và muối trong lúc chờ đợi món khai vị được bưng lên. Màu vàng của bánh nướng chín tới với lớp bột áo màu trắng rắc bên trên cùng với kích cỡ nhỏ xinh khiến mình liên tưởng đến những chiếc bánh mì chuột ở nhà. Vị giác của mình đã bắt đầu được kích thích. Bánh mì ở đây không quá mềm, cùng không quá giòn, ruột không quá đặc – rất vừa vặn. Bẻ một miếng bánh và thưởng thức theo cách quen thuộc khiến mình thoả mãn, lắc lư nhẹ và cười tít mắt với cô bạn thân đi cùng. Mình phải tự dặn bản thân không được ăn nhiều quá vì đây chỉ là ăn “chơi” thôi – ăn ” thật ” chưa thực sự bắt đầu ;).
Mình và bạn mình chọn 2 salad món khai vị khác nhau để có thể thử được 2 món khác nhau. Mình chọn phô mai dê nướng ăn kèm salad và sốt mù tạt. Còn bạn mình chọn thịt xông khói ăn kèm salad, đồ chua và 1 lát phô mai bò mềm. Khi đĩa salad được bê ra mình thấy thích ngay vì màu sắc cũng như cách trình bày. Những cây bánh mì que giòn nhỏ được buộc lại bằng 1 cọng hẹ tây được dựng đứng lên bên dưới là salad và 2 miếng phô mai dê nướng khiến mình liên tưởng đến chiếc lều của tù trường giữa thảo nguyên xanh bát ngát. Hai miếng phô mai dê là hai con dê béo trắng đang nhởn nhơ gặm cỏ.Chắc đọc đến đây nhiều bạn cười ồ lên sao mình có trí tưởng tượng phong phú thế – nhưng các bạn đừng cười, mình chỉ có trí tưởng tượng phong như vậy đối với đồ ăn thôi ;). Mình đã ăn phô mai dê nhiều lần nhưng lần đầu tiên ăn phô mai dê nướng. Đây thật sự là 1 bất ngờ lớn đối với mình – mình đã phải ồ lên ngay từ miếng đầu tiên nếm thử. Kết cấu của miếng phô mai mềm mịn nhưng ko nát, từ trong ra ngoài có 1 độ ấm ổn định, ít thảo mộc khô được rắc bên trên thật sự rất hài hoà. Bình thường phô mai dê có mùi nồng và vị ngây hơn phô mai bò nhưng có thể do mùi thơm của thảo mộc khô đã khắc chế và giải quyết được vấn đề này. Mình nghĩ rằng mình có thể ăn hết cả 2 miếng phô mai dê nướng của mình mà không cần ăn kèm với salad hay bánh mì. Nhưng không thể vì món phô mai dê tuyệt hảo mà không dành lời khen cho salad và sốt mù tạt. Salad của mình có 1 loại salad xoăn có vị đắng. Mình luôn tránh ăn salad đắng chỉ đơn giản là mình không thích vị đắng nhưng khi xắn 1 miếng phô mai dê, ăn cùng salad và nước sốt mù tạt thì mình cảm thấy vị đắng của salad là một cây cầu tuyệt hảo gắn kết vị béo ngậy của phô mai với chua, cay tê nhè nhè đầu lưỡi của sốt mù tạt. Mọi mùi vị như được cân bằng và giao thoa trong chốc lát khiến vị giác của mình đi từ bỡ ngỡ đến ngạc nhiên rồi vỡ oà trong thích thú. Mình không thể nghĩ rằng vị đầu bếp của nhà hàng này đã sử dụng và kết hợp nguyên liệu cho món ăn một cách tài tình như vậy. Mình đã phải ghi lại ngay cảm nhận của mình về món salad này ngay lúc đấy để về chia sẻ với bạn bè – những người cũng thích ăn như mình.
Đây là đĩa salad của cô bạn mình, đơn giản nhưng cũng rất bắt mắt bởi sự bài trí hài hoà giữa thịt xông khói, salad, phô mai và đồ chua. Mình có ăn thử bằng cách chọn một miếng thịt cho ít salad, thái miếng nhỏ dưa chuột chua và cho 1 chút phô mai bò vào ăn cùng nhau. Đây cũng là 1 sự kết hợp không tệ – vị mặn vừa phải của thịt xông khói quyện cùng vị đắng của salad, vị béo, ngậy nhưng không quá mặn của phô mai thêm một chút chua gắt của dưa chuột muối, tưởng như không liên quan nhưng lại có sự kết nối và hoà quyện không tưởng. Nhưng riêng cá nhân mình thì không món salad thịt xông khói nào khiến mình mê đắm bằng thịt lợn đen xông khói của Tây Ban Nha ăn kèm dưa xanh – loại dưa thu hoạch vào mùa thu nhưng có thể trong nhà kho đến mùa đông cho xuống nước rồi đem ra ăn kèm thịt xông khói. Nhưng thôi, để mình sẽ kể cho các bạn nghe về món ăn thần thánh ấy vào dịp khác nhé. Tóm lại giữa 2 loại salad mình thấy thích thú với món của mình hơn vì nó là một sự kết hợp mới mẻ nhưng cũng rất hoàn hảo.
Phải nói thực là tuy 2 đĩa salad chỉ là đồ ăn khai vị nhưng chúng thật là rất to, bình thường nếu chỉ ăn salad không cũng đã đủ no nhưng vì chọn set menu nên chúng mính đều bảo nhau để lại một chút salad vì còn phải để dành bụng cho món chính. Sau một lúc món chính được mang ra, ấn tượng đầu tiên là cái đĩa quá to và màu sắc các món ăn được trình bày rất hài hoà và bắt mắt. Miếng cá Trout được rán vàng ươm chín tới nằm nổi bật giữa chỗ sốt kem bơ, xung quanh là rau củ và cơm Risotto kiểu Ý. Nói một chút về sự khác biệt thường được cho là cá hồi Salmon di cư còn cá hồi Trout không di cư, tuy nhiên sự phân biệt này không hoàn toàn chính xác trong nhiều trường hợp. Quay lại phần ăn của mình, mình chọn cá Trout vì được đánh bắt tại hồ và giao cho nhà hàng hằng ngày nên đảm bảo được sự tươi, ngon của cá. Đúng như mình dự đoán, miếng cá được rán chín tới, thịt cá có độ dai và ngọt tự nhiên của cá tươi. Thường cá Trout có khá nhiều xương răm nhưng có lẽ đây là miếng fillet và con cá khá to nên không có quá nhiều xương. Mình thích ăn da nhưng mình bỏ phần da của miếng cá này vì nó có vảy nhỏ sót lại và không đủ độ giòn tan như mình mong muốn. Sốt kem bơ ăn kèm có độ ngậy vừa phải, chua nhẹ và thơm mùi chanh với vỏ chanh vàng bào mỏng cho vào, ăn cá cùng với sốt rất hợp nhưng chỗ sốt trong đĩa mình quá nhiều lại lỏng, nên thấm cả sang cơm và rau lại không mấy phù hợp. Nhấm nháp một miếng cá, uống một ngụm rượu vang hồng khiến mình cảm thấy mùi vị của miếng cá còn đọng lại quanh miệng như tan biến mất và ấm cả người. Rau củ quả hấp thì có măng tây, đỗ ván,bí ngòi nhỏ, cà rốt và 1 lớp bí đỏ nghiền bên dưới. Risotto thì hơn mặn so với khẩu vị của mình chỉ có 1 điểm cộng là độ mềm của gạo đúng như ý mình muốn, không bị quá sống và cứng như những kiểu Risotto ở nhà hàng Ý mình vẫn hay ăn. Tóm lại món chính này điểm nhấn thực sự chỉ có Cá là nổi bật, cơm và rau chấp nhận được nhưng không quá đặc sắc với khẩu vị của mình.
Sau món chính là tráng miệng, bạn mình chọn Creme Brulee – một món tráng miệng truyền thống của ẩm thực Pháp. Mình khá nhậy cảm với mùi tanh của trứng nên mình rất ít khi ăn Flan hay Creme Brulee. Khi được bạn cho ăn thử mình thấy rằng vẫn còn cảm nhận được vị tanh của trứng trong khoang miệng cũng như kết cấu của bánh chưa đủ mịn, mượt như mình mong muốn.
Quay lại với món tráng miệng mình chọn – trong menu giới thiệu thì đây là kem hạt dẻ cười, caramel và ăn kèm sốt dâu rừng. Đĩa tráng miệng của mình được bưng ra, nhìn thấy miếng kem được cắt thành một khổi vuông vắn khiến mình liên tưởng đến loại kem ký ngày xưa mình vẫn được ăn ở nhà. Những hạt dẻ cười màu xanh còn nguyên vẹn, không vị xay hay dã nát, kết cấu kem xốp, ngọt vừa phải, không quá ngấy và điểm xuyết chút ngọt xen lẫn mặn nhẹ của Caramel. Ăn cùng sốt dâu rừng chua dịu mà khống gắt khá phù hợp. Mình thích cảm giác xắn miếng kem, lăn qua sốt đỏ, rồi đưa lên miệng. Vị chua được cảm nhận đầu tiên rồi vị lạnh lan dần trên lưỡi xen lẫn vị ngọt…sau cảm giác tê lạnh qua đi thì vị chua ngọt vẫn còn vương vấn nơi đầu lưỡi, tiếp tục dùng răng cắn nhẹ hạt dẻ cười làm đôi rồi nhai chầm chậm thưởng thức vị bùi bùi của nó. Cả quá trình diễn ra thật chậm rồi lập đi lập lại đôi lúc khiến mình bất giác rùng mình khi có cơn gió nhẹ từ hồ thổi qua. Cô bạn mình bảo cách mình chơi mà ăn, ăn mà chơi thật khiến người khác thích thú, cô ấy có thể cảm nhận được sự tận hưởng thức ăn của mình.
Đến đây bạn đã tin là mình đã ăn bằng cả 5 giác quan rồi chứ ;). Mình hy vọng các bạn sẽ có cơ hội đến Yvoire, đến khu vườn này và có thể trải nghiệm bằng cả 5 giác quan như mình nhé.
Thông tin về nhà hàng tại đây … bạn có thể click vào link, chọn ngôn ngữ thích hợp để tra mọi thông tin mà mình cần. Cảm ơn đã kiên nhẫn đọc hết 1 cái post rất dài mà toàn chữ thế này. Bạn thật kiên nhẫn đấy 😉
kiên nhẫn đọc hết còn đi hóng chứ 🙂
Hí hí, mày sang đây cần gid hóng, có tao dẫn đi rồi mà 😉